Gần đây, tôi có dự một hội thảo về quản trị tập thể quyền tác giả đối với tác phẩm phi hư cấu ở Việt Nam tại Trường Đại học Xã hội – Nhân văn Hà Nội, do giáo sư Trond Andreassen thuộc Hiệp hội Tác giả và Dịch giả phi hư cấu Na Uy (NFF) cùng các giáo sư hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực này chủ trì. Hội thảo bàn về các cơ sở luật quyền tác giả phi hư cấu, hiện thực các xác lập mong manh tại Việt Nam và xu hướng quản trị chung trên thế giới.
Độc giả Việt Nam có nhu cầu sử dụng lớn đối với các tác phẩm phi hư cấu. Nhưng các tác giả vẫn chưa được trả công xứng đáng do vấn đề bản quyền chưa được tôn trọng. |
Cũng nên nói thêm về khái niệm phi hư cấu (non-fiction)! ThS Trần Cao Thành, giảng viên Đại học luật,trường Đại học Huế có đưa ra một khái niệm: “Tác phẩm phi hư cấu là một phương thức sáng tạo của con người, phản ảnh hiện thực chủ yếu bằng các sự kiện, vấn đề có thật”. Hội thảo không đồng ý, vẫn giữ nguyên cách chấp nhận theo hình thức liệt kê: Tác phẩm phi hư cấu là tác phẩm không thuộc các tác phẩm hư cấu. Tác phẩm phi hư cấu bao gồm: Các bài báo khoa học, báo chí, điểm sách, hồi ký, lịch sử, nhật ký, nhiếp ảnh, phê bình văn học, phim tài liệu, sách giáo khoa, sách khoa học, tài liệu, tạp chí khoa học, triết học, tự điển, tự truyện, pháp luật… Theo cách hiểu khái niệm này sẽ dễ dàng cho việc nhận diện tác phẩm phi hư cấu hơn.
Ở Việt Nam, tác giả của các tác phẩm phi hư cấu thường chỉ nhận quyền tác giả được một lần dưới hình thức nhuận bút qua mỗi lần in ấn. Việc sao chép toàn bộ tác phẩm dưới hình thức photocopy, scan, sao chép bản số hóa hoặc các phương tiện đa năng như CD, VCD, DVD thường xuyên xảy ra. Theo đó các dịch vụ kèm theo cũng nở rộ trong những năm gần đây: Dịch vụ photocopy, dịch vụ sang in băng đĩa, dịch vụ cho mượn tài liệu, dịch vụ dịch tài liệu, dịch vụ chuyển tác phẩm sang chữ nổi, dịch vụ chuyển dạng tài liệu, dịch vụ bao gói thông tin… Trừ dịch vụ chuyển tác phẩm sang chữ nổi, nếu chiếu theo điều 25luật Sở hữu trí tuệ thì hầu hết đều vi phạm quyền tác giả. (Tôi nói hầu hết vì cũng có ngoại lệ, ví dụ có những tài liệu cơ quan cung cấp đã mua bản quyền cho người sử dụng hoặc những tài liệu hết thời gian bảo hộ hoặc tài liệu công bố được phép sử dụng… ).
Với thực tế phát triển của công nghệ như hiện nay, tác giả tự kiểm soát việc bảo hộ và khai thác thương mại các tác phẩm của mình là rất gian nan, thậm chí không thể. Theo thống kê của Cục xuất bản từ năm 1997 đến 2010 thì các loại sách giáo khoa, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật chiếm đến 60% đầu sách xuất bản, chiếm 90% số bản in. Nhu cầu về tác phẩm phi hư cấu của xã hội Việt Nam đang rất lớn. Ngoài những đối tượng sử dụng quyền liên quan hợp pháp còn có rất nhiều hành vi vi phạm quyền tác giả, thậm chí có những người, những tổ chức không biết mình làm như vậy là vi phạm. Càng ngày việc vi phạm bản quyền càng tràn lan, khó quản lý. Chưa bao giờ vấn đề quản lý tập thể quyền tác giả lại cần thiết như lúc này dù Luật Sở hữu trí tuệ đã ra đời từ năm 2005, dù Việt Nam đã ký vào công ước Berne, dù Việt nam đã cam kết thực thi Hiệp định TRIPS khi gia nhập WTO và cả cam kết TPP, EUFTA.
Vì quả thật việc quản lý quyền tác giả ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam là một vấn đề nan giải, nhất là quản lý quyền tác giả của tác phẩm phi hư cấu. Trong hội thảo, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Chủ tịchhiệp hội Tác giả phi hư cấu Việt Nam (VANFA) cho rằng: “Khó nhưng không phải không làm được!”. Và nhà thơ đã đưa ra những con số khá ngoạn mục của bước đầu hoạt động từ 3 năm đến nay. Với 1.746 hội viên, VANFA đang dẫn đầu Việt Nam về việc quản trị tập thể quyền tác giả và cả tiên phong trong quan hệ quốc tế (Hiệp hội Tác giả và Dịch giả Na Uy (NFF) và Hiệp hội quyền sao chép và quyền tương tự Na Uy (KOPINOR) đã hỗ trợ rất nhiều cho VANFA).
Kết quả khả quan ban đầu của VANFA và sự dày dạn kinh nghiệm của NFF chính là những gợi suy cho vấn đề giải pháp quản lý quyền tác giả đối với tác phẩm phi hư cấu. Theo Giáo sư Trond Andreassen, luật quyền tác giả tạo cơ sở cho việc xây dựng một tổ chức dành cho các tác giả. Tổ chức này được sự ủy quyền từ các thành viên của mình trong việc bảo vệ các quyền của họ, mang lại lợi ích cho các tác giả và cho cả xã hội. Từ tổ chức này sẽ có giấy phép thỏa thuận tập thể, quy định chi trả, sự hỗ trợ văn hóa và cả sự vào cuộc của Nhà nước. Hy vọng sau hội thảo này, vấn đề bản quyền đối với tác phẩm phi hư cấu ở Việt Nam sẽ được chú trọng và có những bước chuyển trong thời gian tới.
NguyỄn HiỆp
Nguồn link gốc: https://baobinhthuan.com.vn/ban-quyen-phi-hu-cau-nhung-thach-thuc-17543.html