Sáng 30/9, Đại hội Hiệp hội Tác giả phi hư cấu Việt Nam lần thứ 2 nhiệm kỳ (2022-2027) đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội đã thống nhất bầu nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến giữ chức Chủ tịch Hiệp hội.
Tại buổi lễ, Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 17 thành viên, trong đó có nhiều gương mặt nổi bật như PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo (nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội)), PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội), nhà văn Trần Thị Trường (nguyên Phó Giám đốc khu vực phía Bắc – Trung tâm Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam)…
Phát biểu sau khi được bầu là Chủ tịch Hiệp hội, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến cho hay Hiệp hội đặt ra mục tiêu chung là có thể thu được tiền thù lao trực tiếp và gián tiếp từ người sử dụng, đem lại quyền lợi thiết thực cho hội viên. Cụ thể, Hiệp hội sẽ thực quyền tác giả, khai thác sử dụng tác phẩm và hỗ trợ các tác giả sáng tác tác phẩm hư cấu.
“Hiệp hội tập trung đông đảo trí thức Việt Nam nhiều thế hệ. Chúng tôi kỳ vọng rằng hoạt động của Hiệp hội sẽ khích lệ đội ngũ sáng tạo phi hư cấu thông qua việc bảo vệ quyền tác giả, nhất là trong bối cảnh tác quyền bị vi phạm phổ biến như hiện nay,” nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến khẳng định.
Hiệp hội Tác giả phi hư cấu Việt Nam (VANFA) là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các tác giả và dịch giả phi hư cấu Việt Nam bao gồm các tác giả có tác phẩm là sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu khoa học, đề tài nghiên cứu, công trình nghiên cứu, báo cáo, từ điển, bách khoa, đồ án, kế hoạch, tạp chí, bài báo, nhật ký, hồi ký, tiểu sử, phim tài liệu, nhiếp ảnh, sổ tay hướng dẫn và các tư liệu tương tự khác ở Việt Nam tự nguyện thành lập theo quy định của pháp luật.
Mục đích của Hiệp hội là tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ các tác giả phi hư cấu và người nắm giữ quyền tác giả đối với tác phẩm phi hư cấu trong việc bảo vệ và khai thác giá trị của các quyền được pháp luật thừa nhận và bảo hộ quyền tác giả trên văn bản theo quy định của pháp luật, để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo vệ có hiệu quả lợi ích vật chất của giới sáng tạo, góp phần vào việc phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đã thu thập một số hợp đồng trong nước để nghiên cứu, dự thảo hợp đồng xuất bản mẫu giữa tác giả và nhà xuất bản Việt Nam; dịch hợp đồng mẫu của Hiệp hội NFF (Hiệp hội Tác giả phi hư cấu Na Uy) để giao cho luật sư có kiến thức và trình độ cần thiết nghiên cứu, dự thảo hợp đồng mẫu của giới tác giả Việt Nam để chuẩn bị thăm dò ý kiến trong giới tác giả và giới xuất bản Việt Nam.
Hiệp hội Tác giả phi hư cấu Việt Nam được Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập vào ngày 16/4/2014. Đến nay, hiệp hội có 1.786 hội viên. Trong đó, hội viên có trình độ trên đại học là 1.179.
Nhiệm kỳ vừa qua, hiệp hội đã tổ chức được 3 hội thảo khoa học mang tính quốc gia. Đó là hội thảo “Quyền sao chép tác phẩm đối với tác phẩm phi hư cấu”, “Quyền tác giả đối với tác phẩm phi hư cấu”, “Nâng cao nhận thức về quyền tác giả đối với tác phẩm phi hư cấu”.
Nguồn: Dân trí
Link gốc: https://dantri.com.vn/van-hoa/nha-tho-doan-thi-lam-luyen-giu-chuc-chu-tich-hiep-hoi-tac-gia-phi-hu-cau-20220930160255115.htm