Tác giả phi hư cấu bị ‘ăn cắp’ và chưa được bảo vệ

Thống kê từ Cục Xuất bản cho biết, 90% số sách trên thị trường VN là các ấn phẩm phi hư cấu – đối tượng bị vi phạm bản quyền trắng trợn và tràn lan nhất. Nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa có tổ chức hợp pháp nào bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ cho tác giả phi hư cấu.

Đây được coi là tiền đề cho sự ra đời của Hiệp hội tác giả phi hư cấu Việt Nam (VANFA) với mục đích hỗ trợ tác giả trong việc bảo vệ và khai thác giá trị của các quyền được pháp luật thừa nhận và bảo hộ trên văn bản, nhưng trên thực tế còn bị lãng phí, bỏ rơi, thậm chí bị xâm phạm nghiêm trọng. Tổ chức đầu tiên tại Việt Nam bảo vệ quyền lợi cho các tác giả phi hư cấu chỉ đang trong quá trình vận động thành lập – việc làm được đánh giá là quá muộn so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Tác phẩm phi hư cấu (non-fiction) là một phương thức sáng tạo của con người, phản ánh hiện thực bằng các sự kiện, vấn đề có thật, không dựa trên trí tưởng tượng, hư cấu. Tác phẩm phi hư cấu gồm có tự truyện, almanac, tiểu sử, nhật ký, thư từ, từ điển, sách giáo khoa, các công trình khoa học… Trong cuộc hội thảo diễn ra sáng 26/10 tại Cục Xuất bản, Hà Nội, ban vận động đã đề cập đến thực trạng vi phạm bản quyền phi hư cấu tại Việt Nam và những thách thức trong tương lai của VANFA.

Sách giáo khoa là loại công trình phi hư cấu dễ bị in lậu. Ảnh: Hoàng Hà.

Chuyên gia sở hữu trí tuệ Đỗ Khắc Chiến cho rằng, xã hội Việt Nam gần như đang bất lực trước thực trạng sao chép, vi phạm bản quyền tràn lan; còn các tác giả đã quen với việc “bị ăn cắp”. Đối với tác giả, nhuận bút là khoản tiền đầu tiên và hầu như cũng là duy nhất họ nhận được sau khi xuất bản. Còn đối với độc giả, mua sách gốc không phải là cách duy nhất, nếu không muốn nói là cách cuối cùng họ nghĩ đến. Người dùng có thể mượn sách, đọc từ thư viện và phổ biến hơn cả là dùng sách lậu, photo sách hoặc tải miễn phí nội dung sách về các phương tiện lưu trữ cá nhân. “Người sử dụng thu lượm một khối lượng kiến thức nhất định, một khối lượng kiến thức mà họ tự nghiên cứu hoặc phân tích có thể mất hết thời gian của cả cuộc đời. Nhưng họ lại vô tư sử dụng tác phẩm bằng những nguồn bất hợp pháp, những nguồn mà tác giả chẳng được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ đó, dù nhỏ”, ông Chiến nói.

Mức nhuận bút cho các tác giả hiện được tính theo công thức phổ biến là 10% giá bìa nhân số lượng phát hành. Ông Bùi Việt Thắng – giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – cho biết, với một công trình nghiên cứu, ông nhận được khoảng 4 triệu tiền nhuận bút. Nếu tái bản, ông có thêm 2 triệu nữa. Số tiền 6 triệu đồng đó là kết quả của 1-2 năm lao động trí óc. “Chỉ đủ tiền để tôi mua sách tặng lại bạn bè, sinh viên. Người nghiên cứu hầu như không thể sống bằng nhuận bút viết sách”, ông Thắng nói. Tại cuộc hội thảo về bản quyền hồi năm 2010, giáo sư Phan Trọng Luận – tác giả chủ biên của nhiều đầu sách giáo khoa – từng than thở rằng: “50 năm qua, tôi cặm cụi viết sách mà không biết mình bị bóc lột với đồng nhuận bút rẻ mạt”.

Lực lượng thanh tra thường xuyên phát hiện được sách lậu tại các tuyến phố bán sách cũ. Ảnh: T.V.

Số lượng phát hành đối với sách phi hư cấu ở Việt Nam chỉ dừng lại ở con số 500 – 1.000 bản. Từ số lượng ít ỏi đó, hàng triệu bản được sao chép để phục vụ hàng triệu học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Bà Đoàn Thị Lam Luyến – Tổng thư ký Ban vận động thành lập VANFA – lấy số liệu từ Cục Khảo thí (Bộ Giáo dục) cho biết, mỗi học sinh trung bình mỗi năm sao chép khoảng 176 tờ A4. “176 tờ A4 có thể tương đương với một cuốn sách. Việt Nam hiện có 9 triệu học sinh. Như vậy, mỗi năm có khoảng 9 triệu bản sách bị đối tượng người dùng bậc họ trung học phổ thông vi phạm bản quyền. Đó là chưa kể VN còn có khoảng 1,5 triệu sinh viên, 2,6 triệu người tốt nghiệp đại học. Họ đều vi phạm tác quyền phi hư cấu ở những cấp độ khác nhau”.

Từ thực tế đó, chuyên gia Đỗ Khắc Chiến nhận định, nếu VANFA ra đời và hoạt động hiệu quả, mỗi năm, tổ chức này sẽ thu về hàng chục tỷ đồng tiền tác quyền. Nhưng khi vi phạm bản quyền đã trở thành thói quen như hiện nay, cách tính toán này liệu có trở thành chuyện “đếm cua trong lỗ”?

Thông qua việc phân tích tiềm năng thị trường, ông Chiến cho biết: “Nếu bình quân mỗi người có trình độ đại học trở lên một năm trả 10.000 đồng tiền sao chụp thì thu được 26 tỷ đồng. Nếu bình quân mỗi sinh viên một năm trả 10.000 đồng tiền sao chụp thì thu được 15 tỷ đồng”. Bà Lam Luyến thậm chí còn lạc quan hơn. “Con số ông Chiến đưa ra chỉ mang tính ví dụ thôi. Tôi nghĩ nếu tận thu, VANFA sẽ thu được 1.000 – 2.000 tỷ đồng tác quyền phi hư cấu mỗi năm”.

Các cửa hiệu photo – nơi “gia công” các sản phẩm vi phạm bản quyền. Ảnh: Nguyên Anh.

Tuy nhiên, thực tế không lạc quan và sáng sủa như lý thuyết. Trong số 3 tổ chức bảo vệ tác quyền lớn hiện nay, gồm: Trung tâm quyền tác giả Việt Nam (VCPMC), Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) và Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) thì VCPMC hoạt động hiệu quả hơn cả. 2002 – năm đầu thành lập, VCPMC thu được 80 triệu đồng, năm 2008 – 15 tỷ đồng; năm 2010 – 32,5 tỷ đồng. Con số này tăng từng năm, nhưng vẫn không đáng kể so với mức độ vi phạm bản quyền trên thực tế. Còn Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, ra đời từ năm 2004, nhưng số tiền tác quyền thu được, theo bà Lam Luyến, là còn rất hạn chế, do những khó khăn trong việc thực hiện. Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam thành lập từ tháng 5/2010 và đến nay cũng chỉ mới đang trong quá trình tập hợp ủy quyền từ tác giả và khảo sát nhu cầu sử dụng.

Vì vậy, chuyên gia Đỗ Khắc Chiến cho rằng, việc thành lập Hiệp hội tác giả phi hư cấu Việt Nam là điều cần thiết. Nhưng để hoạt động một cách hiệu quả, tổ chức này cần nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan quản lý, ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính tác giả và sự tự giác của người sử dụng.

VNExpress

Link gốc: https://vnexpress.net/tac-gia-phi-hu-cau-bi-an-cap-va-chua-duoc-bao-ve-2135408.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *