“Có nhiều kỷ niệm vui buồn trong chiến tranh khiến tôi muốn viết lại, bởi nếu như thế hệ chúng tôi mất đi rồi, lớp người trẻ và ngay cả con cháu trong nhà cũng không thể hiểu được thế hệ cha ông họ đã đổ xương máu như thế nào mới có được cuộc sống hòa bình ngày hôm nay”, tác giả, trung tá Vũ Thành Trung đã xúc động bày tỏ trong buổi ra mắt cuốn hồi ký Nước mắt và niềm vui – Những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông tại Hội Nhà văn TP.HCM vừa qua.
Trung tá Vũ Thành Trung tại buổi ra mắt hồi ký “Nước mắt và niềm vui”
Và mới đây, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã trao cho những tác phẩm phi hư cấu như Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh hoặc Gánh gánh gồng gồng của Xuân Phượng; giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM cũng tạo tiếng vang dư luận là Được sống và kể lại của Trần Luân Tín. Qua đó, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của văn chương phi hư cấu trong thời đại 4.0 hiện nay.
Biến hạt bụi lịch sử thành những hạt vàng
Nước mắt và niềm vui viết về những kỷ niệm thanh xuân, những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông Nam Bộ và cả những năm tháng cống hiến trong công cuộc kiến thiết xây dựng đất nước của cựu chiến binh, trung tá Vũ Thành Trung. Cuốn sách còn là câu chuyện của những người đồng đội, đồng bào, những người đã ra đi trong chiến tranh mà ông là người chứng kiến. Với trải nghiệm của một người lính dạn dày trận mạc, trung tá Vũ Thành Trung (còn gọi là Mười Trung) đã dùng câu chữ để ghi lại những ký ức ngày ấy một cách chân thật và sống động nhất.
Đó là những năm tháng ở chiến trường Tây Nguyên trong giai đoạn chưa ác liệt nhưng đã đầy khó khăn. Không giao thông, không bản làng, có được hạt muối họ phải cử người đến tận Ninh Thuận để lấy về. “Đoàn đi 30 người thì lúc về mất 10 người do địch bắn, do sốt rét mà không có thuốc chữa. Các anh em thấy muối thì mừng lắm, ai lấy cả bọc nhưng khi về đến đơn vị chỉ còn chút đỉnh, có người chỉ còn vài miếng, chia nhau để ngậm cho khỏi bướu cổ”, trung tá Vũ Thành Trung ngậm ngùi nhớ lại. Đó còn là những lần đi trinh sát phải nằm chịu trận để kiến kim, mối càng hành hạ suốt đêm, hay khi bị trọng thương cũng chỉ củ mì luộc ăn qua ngày… Tuy khó khăn, gian khổ là thế nhưng tình đồng đội, tình yêu với người con gái mà ông gặp được tại đơn vị là niềm vui, niềm tin và hy vọng để ông vượt qua tất cả.
Nhận xét về tác phẩm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết: “Tôi cho rằng chúng ta cần khuyến khích những tác phẩm văn học phi hư cấu. Bởi mỗi người đều là những hạt bụi trong thời gian lịch sử, để những hạt bụi ấy không trôi dạt mịt mù, chúng ta phải viết lại nó. Đó là cách duy nhất để biến những hạt bụi lịch sử thành những hạt vàng”. Còn với nhà văn Hoài Hương: “Có những trang viết ứa nước mắt. Đó là tình đồng đội, đồng chí giành hy sinh về mình, nhường cho nhau sự sống. Có những trang viết xúc động và khá mềm mại khi tác giả kể lại câu chuyện tình yêu, kể lại những khoảnh khắc ấm áp ở bệnh xá dã chiến. Đó là tình quân dân như cá với nước, là tình yêu với rừng núi với thiên nhiên…”.
Dù đã viết và đọc khá nhiều hồi ký mà các nhân vật chiến sĩ cách mạng may mắn còn sống sót và có điều kiện kể lại cuộc sống đầy hào hùng của bản thân mình, cũng như đồng đội trên những trang giấy, thế nhưng với Nước mắt và niềm vui, nhà văn Kim Quyên vẫn không khỏi xúc động. “Đọc hồi ký của trung tá Vũ Thành Trung, tôi đã cười, đã khóc theo những chi tiết do anh kể lại trên từng trang viết bằng văn phong hết sức bình dị, chân tình”, nhà văn Kim Quyên chia sẻ.
Những giá trị mãi trường tồn
Nếu như đề tài chiến tranh vốn được cho là khô khan, và càng “khó nhằn” hơn khi rơi vào những cây bút “tay ngang”, thế nhưng sức hút mà những trang viết “sống” trong Nước mắt và niềm vui thật sự “hút hồn” bạn đọc. Với những câu chuyện rất thật, được nhìn với cự ly gần của người trong cuộc, nó có sức lôi cuốn riêng biệt không lẫn vào đâu. Họ đã trở thành người lính trước khi đủ tuổi công dân. Họ bước vào cuộc chiến như một sự lựa chọn không thể khác. Chính sự chân thực gắn liền với cả một thế hệ thanh niên mà bước chân đầu tiên của họ khi vào đời là cuộc sống quân ngũ đã chinh phục trái tim người đọc.
Đối diện với kỷ nguyên số và những thành tựu công nghệ hiện đại chi phối nhịp sống, những câu chuyện xưa cũ dường như bị quên lãng. Chính văn chương phi hư cấu với sự chân thật, mộc mạc đã minh chứng được giá trị, sứ mệnh của mỗi con người đối với đất nước. 300 trang giấy với câu chữ và hình ảnh được đúc kết trong 15 chương đầy hỉ, nộ, ái, ố… của những người đã từng dấn thân vào cuộc chiến, được ví như “châu chấu đá xe” và cả thế giới đã dõi theo, đã cho độc giả thấy rằng: Những ngày tháng đã qua luôn đọng lại những dấu vết khó quên và chỉ có được viết ra thì mới có thể lưu giữ lâu dài.
Chia sẻ cảm xúc tại buổi ra mắt sách, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Huỳnh Văn Nhị cho biết: “Tôi rất mong cuốn hồi ký Nước mắt và niềm vui phổ biến, nhân rộng để nhiều người được đọc, nhất là thế hệ trẻ. Chúng ta phải biết và không được quên dân tộc Việt Nam đã qua thời kỳ bi tráng, để có độc lập tự do như ngày hôm nay, các thế hệ đi trước các cựu chiến binh đã hy sinh mất mát rất nhiều. Thế hệ trẻ càng phải cố gắng học tập rèn luyện để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh để không phụ lòng các thế hệ tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu đem lại”.
Rõ ràng, văn xuôi phi hư cấu mở ra những góc nhìn đa dạng, nhiều chiều, với sự chiêm nghiệm của chính người trong cuộc. Những câu chuyện, sự kiện, những cuộc đời, số phận của một thời tưởng như trôi vào quên lãng, nay đã được “sống lại” một cách rõ nét và sinh động nhất. Không dừng lại ở đó, những tác phẩm phi hư cấu sẽ là nguồn di sản tư liệu quý giá để lại cho các thế hệ trẻ đọc, suy nghĩ, biết ơn để nối tiếp và sống có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc.
HỒNG HẠNH – Báo Văn hóa